Năm 2009 vừa qua, nếu xét về thu nhập bình quân đầu người thì Việt nam chúng ta vừa vượt qua được ngưỡng của các quốc gia có thu nhập thấp, lên hàng những quốc gia có thu nhập trung bình. (từ 1.000 – 10.000,- US$/ năm). Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra là chừng nào chúng ta có thể tiến vào chuẩn của một quốc gia có thu nhập cao? Muốn đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực và triệt để từ mọi người, mọi cấp trong một quốc gia. Đây là một vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng hòan toàn không giản đơn. Nó đòi hỏi chúng ta xem lại cách suy nghĩ, thái độ làm việc và tốc độ sẵn sàng biến giấc mơ thành hiện thực của mỗi người trong chúng ta. Nếu giấc mơ không được biến thành hiện thực trong một thời gian nhất định thì mãi mãi giấc mơ sẽ chỉ là giấc mơ!
Nó không đơn giản vì ngày nay trong số 170 quốc gia trên thế giới thì chỉ có 47 quốc gia (27%) có thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 US$/Năm. Hơn một nửa, với 87 quốc gia, có thu nhập trung bình,từ 1000 US$/năm đến 10.000 US$/ năm, và 21% là các quốc gia nghèo với thu nhập dưới 1000 US$/ năm.
Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người US Dollars (trong ngoặc là thứ hạng)
Nếu ở năm 1975, các nền kinh tế có dầu hỏa dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập cao như Các quốc gia Ả Rập thống nhất, Qatar hay Kuwai, thì ngày hôm nay tài nguyên thiên nhiên không còn giúp họ giữ được vị trí này nữa. Đó cũng là lý do tại sao một quốc gia nhiều tài nguyên như Malaysia sau cả 30 năm vẫn chưa thoát ra khỏi danh sách các nước có thu nhập trung bình, trong khi những quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, Slovakia chỉ cần chưa đến 15 năm đã vượt qua Malaysia để tiến vào danh sách các nền kinh tế có thu nhập cao (Bảng 1). Điểm then chốt ở đây là con người và tri thức. Con người với tất cả thông tin, nhận thức, tính tổ chức, tính kỷ luật, sự trao đổi, hợp tác…
Trong hai trăm năm vừa qua, nền kinh tế tân cổ điển đã thừa nhận tầm quan trọng của hai nhân tố chính trong sản xuất là: sức lao động và vốn cũng như tài nguyên. Tri thức, năng suất lao động, trình độ học vấn và vốn chất xám được xem như là những nhân tố ngoại quan, nằm ngoài hệ thống sản xuất. Với mô hình này, các nhà kinh tế học chưa giải thích được nguyên nhân của sự tăng trưởng bền vững và lâu dài của một số nền kinh tế, vì thế họ đã đề nghị thay đổi mô hình của nền kinh tế tân cổ điển khi công nhận công nghệ và tri thức là một phần tất yếu của hệ thống kinh tế mới ngày hôm nay. Tri thức, nền tảng của công nghệ đã trở thành nhân tố thứ ba của sản xuất trong những nền kinh tế tiên tiến. Nhắc tới công nghệ cao là nhắc tới việc sử dụng và hệ thống sản sinh ra tri thức trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày hôm nay. Điều này giải thích tại sao có nhiều nền kinh tế, với tài nguyên và sức lao động dồi dào và rẻ, nhưng vẫn không vươn lên được vào danh sách những quốc gia giầu có.
Ở những cường quốc kinh tế ngày hôm nay, cán cân giữa tri thức và tài nguyên đã chênh về phiá tri thức. Tri thức đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng cuộc sống, hơn cả đất đai, công cụ sản xuất và sức lao động. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, tri thức là hình thái cơ bản của vốn. Tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy qua sự tích lũy vốn tri thức. Tri thức và Công nghệ mới không chỉ có sức bật một lần, nhưng còn có thể tạo nên những nền tảng kỹ thuật cho những sáng tạo khác, tạo ra sự phát triển bền vững. Lợi nhuận có được qua độc quyền từ những phát minh là quan trọng trong việc khuyến khích các công ty đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho việc đổi mới công nghệ. Bởi thế muốn phát triển công nghệ, luật pháp cần phải nghiêm minh để đảm bảo lợi ích lâu dài cho những đầu tư trong lĩnh vực này.
Thêm vào đó, công nghệ giúp tăng nhanh vận tốc hoàn vốn (lợi nhuận đầu tư), điều đó lý giải tại sao những quốc gia phát triển có thể tăng trưởng bền vững và tại sao những nước có nền kinh tế đang phát triển mặc dầu có nguồn lao động dồi dào, và nguồn vốn phong phú vẫn không thể đạt được sự tăng trưởng trên. Lý thuyết tăng trưởng hiện đại chỉ rõ rằng, ảnh hưởng của tri thức trên nền tảng công nghệ hiện đại sẽ dẫn đến gia tăng hơn là hạn chế lợi nhuận từ đầu tư cho công nghệ.
Nhưng tăng trưởng sản lượng quốc gia bền vững không phải chỉ muốn là được. Để có đầu tư vào công nghệ, một quốc gia phải có khả năng về vốn con người. Đó chính là sự giáo dục chính quy, đào tạo và phát triển tay nghề tiềm tàng trong chính đội ngũ lao động, từng bước tái cơ cấu nền kinh tế từ kinh tế dựa trên lao động rẻ tiền, giản đơn lên nền kinh tế tri thức.
Vậy thế nào là nền Kinh tế Tri thức? Theo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Anh 1998 thì Kinh tế Tri thức là một nền kinh tế được biểu hiện bởi sự thay đổi trong cách nhìn nhận và sử dụng tri thức như là một công cụ chính để tạo nên sự giàu có. Trong khu vực công nghiệp, sự giàu có được tạo nên bởi việc gia tăng sử dụng máy móc thiết bị thay cho con người. Nhiều người đã đồng nhất nền kinh tế tri thức với nền công nghiệp sử dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông và các dịch vụ tài chính.
Vấn đề được đặt ra cho những nước nghèo là bắt đầu từ đâu? “Đào” đâu ra đội ngũ lao động có tay nghề, có tri thức? Bốn mươi năm trước, Singapore mở cửa, tạo môi trường cho lao động tri thức nước ngoài vào “làm thầy” của mình và từng bước những bậc “thầy” này đào tạo người tiếp nối họ trở thành lao động tri thức “nội địa”. Israel sử dụng cả một tập thể kiều bào hồi hương từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới… Đài Loan, Nam Triều Tiên kết hợp lực lượng Kiều bào và du học sinh. Trung Quốc thì kết hợp kiều bào và du học sinh hồi hương với đầu tư nước ngoài (mà số lớn là đầu tư của Hoa kiều từ Hồng Công và Đài Loan). Tất cả các quốc gia này đều đạt được những thành công đáng kể. Chỉ sau 20 năm độc lập, trên một hòn đảo không có tài nguyên, Singapore đã có thu nhập trên mười ngàn US$/ năm!
Không giống như vốn và sức lao động, tri thức tự thân nó là sản phẩm công cộng. Khi tri thức được khám phá và biết đến, nó được sử dụng miễn phí bởi nhiều người. Thứ hai là nhà phát minh ra tri thức rất khó có thể ngăn chặn người khác sử dụng nó. Các công cụ như bảo hộ bí mật kinh doanh, bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu… chỉ có thể mang đến cho người phát minh một sự bảo hộ giới hạn mà thôi.
Có rất nhiều dạng khác nhau của tri thức. Chúng có thể được phân biệt một cách tiện lợi như sau: “Know-what” = Biết gì là tri thức về sự kiện, sự hiểu biết này ngày hôm nay đang mất dần tầm quan trọng của nó. “Know-why” = Biết tại sao là tri thức về thế giới tự nhiên, xã hội và trí tuệ con người. “Know-who” = Biết ai là đề cập đến thế giới của những mối quan hệ xã hội và tri thức về ai biết gì cũng như ai có thể làm được gì. Biết được những người chủ chốt đôi khi quan trọng cho sự sáng tạo hơn là hiểu biết về các nguyên lý khoa học. “Know-where” = Biết ở đâu và “Know-when” = Biết lúc nào ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế năng động và linh hoạt. “Know-how” = Biết làm sao là những kỹ năng và khả năng giải quyết công việc trên mặt thực hành. Chính ở đây một lần nữa cho thấy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài là không nhỏ trong việc có thể góp tay xây dựng lực lượng cho nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Cho đến bây giờ thì tiềm năng này đáng tiếc vẫn chỉ là tiềm năng, vì chúng ta chưa biết hoặc chưa muốn sử dụng nó cho công cuộc xây dựng Đất Nước.
Trong nền kinh tế tri thức, không có con đường nào khác để đi đến thịnh vượng nếu tầm quan trọng của giáo dục và sự sáng tạo tri thức không được đặt lên hàng đầu. Có nhiều loại tri thức khác nhau. “Tri thức ngầm” là loại tri thức có được qua kinh nghiệm hơn là loại qua giáo dục, đào tạo. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức ngầm cũng quan trọng không kém tri thức từ trường lớp đã được hệ thống hoá.
Năng lực của một quốc gia trong việc sử dụng những ưu thế từ nền kinh tế tri thức để đi lên giầu có tùy thuộc vào tốc độ quốc gia đó trở thành “nền kinh tế tiếp thu”. Tiếp thu ở đây không chỉ có nghĩa là sử dụng công nghệ hiện đại để hòa nhập vào tri thức toàn cầu mà còn có nghĩa là sử dụng nó để thông thương với những dân tộc khác trong sáng tạo, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc, không lẩn quẩn tìm tòi những điều mà nhân loại đã biết, đã đi qua. Trong nền “kinh tế tiếp thu” cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia sẽ có thể tạo nên sự giàu có tỉ lệ thuận với năng lực tiếp thu và chia sẻ sáng tạo. Ở đây giáo dục chính quy cũng cần phải giảm bớt việc truyền đạt thông tin, nhưng phải chú tâm hướng dẫn mọi người làm thế nào để tiếp thu hiệu quả nhất. Chính ở đây vấn đề giáo dục ngoại ngữ làm công cụ cho sự tiếp thu, trao đổi… phải được chú trọng. Kinh nghiệm của Singapore, Hồng Công trong việc tạo tăng trưởng GDP, biến hai nền kinh tế này thành nền kinh tế có thu nhập đầu người cao, hay Ấn Độ trong lĩnh vực phần mềm phản ánh điều này. Việc chúng ta “loay hoay” với những vấn đề cũ mèm của thế giới hiện đại (chuyên chở công cộng, cây xanh, môi trường, giáo dục, quản lý và phát triển công nghiệp, quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội…) cho thấy những người điều hành nền kinh tế chúng ta thiếu khả năng tiếp thu và không sở hữu công cụ cần thiết để trao đổi.
Trong một quốc gia, sự tiếp thu tinh hoa thế giới phải luôn được duy trì liên tục. Tri thức là một quá trình của lao động, qua đó chúng ta có được kinh nghiệm và tri thức ngầm. Những tri thức ngầm này không thể có được qua sách vở nên không thể có được qua giáo dục hay đào tạo. Nó đòi hỏi một quá trình lao động và khám phá liên tục, sàng lọc, trao đổi và chia sẻ sự hiểu biết và đây là một phần quan trọng của năng lực cạnh tranh. Những quốc gia thành công đều ưu tiên cho việc xây dựng “năng lực tiếp thu” và phát triển tri thức ngầm trong nền kinh tế của mình.
Để trở thành một tập đoàn tri thức, các công ty phải tiếp thu để nhận thức được sự biến chuyển của vốn chất xám trong lĩnh vực kinh doanh của công ty và cuối cùng giá trị này sẽ được thể hiện qua trị giá công ty. Vốn chất xám của một công ty chính là tri thức của nhân viên, sức mạnh trí tuệ, những bí quyết, tổ chức và qui trình sản xuất cũng như khả năng cải tiến liên tục cho những qui trình này. Đó chính là nguồn lợi thế cạnh tranh của một công ty. Hiện nay hầu như hiển nhiên là giá trị vô hình về tài sản của Công ty về công nghệ cao và dịch vụ thì ngày càng trở nên có giá trị hơn so với cái giá trị hữu hình của tài sản, như nhà xưởng, thiết bị… Chẳng hạn như tập đoàn Apple hay Microsoft, phần tài sản hữu hình của chúng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá trị vốn, phần còn lại chính là vốn chất xám của những công ty này.
Khi nói đến nền kinh tế tri thức không thể không nói đến vai trò cuả công nghệ thông tin. Vì công nghệ thông tin là phương tiện và công cụ giải phóng và thăng hoa tiềm năng sáng tạo, tư duy của con người. Công nghệ thông tin là tiền đề của sự thay đổi, nhưng tự bản thân nó không thể tạo nên sự biến đổi trong xã hội. Công nghệ thông tin được đánh giá chính xác nhất như những phương tiện của sự sáng tạo tri thức trong xã hội sáng tạo. (OECD, 1996). Những nền kinh tế hiện đại nhìn nhận công nghệ thông tin không chỉ là động cơ của sự thay đổi mà là một công cụ nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo và tri thức tiềm tàng trong mỗi con người.
Hơn nữa, lĩnh vực của công nghệ thông tin có sự tác động mạnh mẽ hơn nhiều lần trên mọi phương diện của nền kinh tế so với ngành sản xuất, chế tạo. Nghiên cứu năm 1995 về tác động của tập đoàn sản xuất phần mềm Microsoft trong nền kinh tế quốc nội đã cho thấy cứ mỗi công việc tại tập đoàn này đã tạo nên 6.7 công ăn việc làm mới ở tiểu bang Washington, trong khi đó một công việc tại hãng chế tạo máy bay Boeing chỉ tạo ra 3.8 công ăn việc làm khác (Mandel, 1997). Thế hệ giàu có ngày hôm nay bị buộc chặt vào khả năng sử dụng giá trị thặng dư của sản phẩm và dịch vụ do công nghệ thông tin tạo nên. Tại các quốc gia phát triển, tích lũy tri thức là thước đo quan trọng của tiềm năng phát triển trong tương lai.
Sự cạnh tranh được thúc đẩy bởi sự bành trướng về quy mô của thị trường mở ra từ những công nghệ mới. Sản phẩm được hình thành bởi kết qủa của các tri thức cao sẽ tạo nên lợi nhuận cao hơn và có tiềm năng phát triển mạnh hơn. Sự cạnh tranh và sự sáng tạo luôn đi bên nhau. Sản phẩm và quy trình có thể bị bắt chước một cách nhanh chóng và lợi thế cạnh tranh có thể bị mai một. Tri thức được phổ biến ngày càng nhanh, và để cạnh tranh, công ty cũng như các nền kinh tế phải có khả năng đổi mới và sáng tạo nhanh hơn so với những đối thủ của mình.
Từ những nhận thức và thực tế nêu trên, đặc biệt đối với những quốc gia nhỏ, nếu muốn thành công và phát triển bền vững thì phải nhận thức được rằng mình là một mắt xích của nền kinh tế dựa trên những kết quả tối ưu do mình mang lại cho mắt xích đó, với giá thành và tốc độ hợp lý nhất và cần chiếm sự ưu ái của thị trường toàn cầu. Bất kỳ một quốc gia nhỏ nào không thấy được thực tế này thì sẽ bị trừng phạt bởi sự ra đi của vốn (đầu tư) và kế đó là sự mất giá tiền tệ. Dựa vào những lợi thế trong công nghệ thông tin, những thị trường (và các công ty liên quốc gia dựa trên nó) hoạt động tương đối độc lập với hệ thống chính trị của riêng mỗi nước.
Điều này dẫn đến toàn cầu hoá tư bản. Vốn đầu tư luôn chạy quanh để tìm những cơ hội đầu tư tốt nhất. Công nghệ thông tin làm tăng tốc quá trình này và giúp nó thành công hơn. Ngày hôm nay lợi thế địa lý, nhân công rẻ và dồi dào, tài nguyên phong phú… không đủ để tạo nên kẻ chiến thắng. Chu trình sáng tạo gạn lọc những ý tưởng trong một nền kinh tế tri thức và sự hiệu quả của nó (tốc độ và chất lượng) sẽ quyết định vị trí của mỗi quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Nơi càng đầu tư nhiều cho sáng tạo và sự thông minh, đi kèm với một hệ thống quản lý hiệu quả và minh bạch (Singapore chẳng hạn) càng có vị trí cao trong bảng điểm đầu tư toàn cầu.
Để tiến vào vị trí những quốc gia có thu nhập cao và cạnh tranh bền vững được trong nền kinh tế tri thức, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần gấp rút có chính sách và phải bài bản hơn trong việc sử dụng vốn lẫn chất xám. Chúng ta phải thực tâm rà soát lại những sản phẩm, những qui trình công nghệ, con người, tài sản của chúng ta và làm sinh sôi thêm những tri thức chúng ta đang có, tiếp thu nhanh chóng tri thức của nhân loại để giải những vấn đề mà nhân loại tiến bộ đã đi qua. Chúng ta phải giải phóng những giá trị tài sản đang còn tiềm ẩn tỉ như tài năng của người lao động, quan hệ tốt với khách hàng, và tri thức tập thể tiềm ẩn trong dân tộc, trong qui trình, trong văn hóa của chúng ta (chúng ta nói rất nhiều đến “thương hiệu” quốc gia, nhưng “tài sản” có được qua cuộc chiến tranh mà Việt nam là lương tâm của nhân loại, một thương hiệu phải trả bằng rất nhiều xương máu đang bị phung phí từng ngày). Chúng ta phải biết cách biến những tri thức chưa được dùng đến, chưa được khai phá vào lợi thế cạnh tranh của chúng ta.
Nguyễn Như Khuê